Năm 2019 là sự đua tranh giữa các nhà băng về công nghệ và
chuẩn Basel II cũng với những chính sách và động thái từ Ngân hàng Nhà nước đưa
ra cho các ngân hàng
18 ngân hàng đạt chuẩn
Basel II
18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II trong năm 2019 gồm 2 ngân
hàng ngoại (Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam) và 16 ngân hàng nội.
Vietcombank và Ngân
hàng Quốc Tế VIB là 2 nhà băng đầu tiên được chấp thuận áp dụng Basel
II, theo sau là OCB. Các ngân hàng tiếp tục được phê chuẩn gồm ACB, VPBank, MB,
Techcombank, Maritime Bank, HDBank, TPBank, SeABank, Viet Capital Bank,
VietBank, LienVietPostBank, NamABank và gần đây nhất là BIDV. Trong danh sách
thí điểm áp dụng Thông tư 41/2016 (hạn chót năm 2019), VietinBank và Sacombank
là 2 đơn vị chưa thực hiện.
Chủ tịch VietinBank, ông Lê Đức Thọ từng nhiều lần đề cập,
tăng vốn là vấn đề cấp thiết của ngân hàng để đáp ứng chuẩn Basel II. Phía The
Bank of Tokyo - Misubishi UFJ (cổ đông Nhật Bản nắm gần 20% vốn tại ngân hàng)
từng bày tỏ mong muốn hỗ trợ VietinBank triển khai, nhưng không thể thực hiện.
NHNN hiện nắm giữ 64,46% vốn VietinBank, thấp hơn mức tối
thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ. Điều này khiến phương án chào bán thêm
vốn cho khối ngoại bế tắc. Theo lộ trình đến 2021, sở hữu của Nhà nước tại
VietinBank có thể giảm xuống 51%. Trong khi đó, Sacombank chưa có động thái về
việc triển khai áp dụng Basel II.
DongA Bank họp đại hội
cổ đông sau nhiều năm
DongA Bank tổ chức họp cổ đông sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng trình phương án phát hành 3,35 tỷ cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhưng
không được thông qua. DongA Bank sẽ phải xem xét và trình phương án khác để tái
cơ cấu. Đến cuối 2018, DongA Bank lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Do đó, để đảm
bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, ngân hàng cần phải bổ
sung vốn theo quy định.
DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng
8/2015 sau khi kết quả thanh tra cho thấy giai đoạn trước 2012, ngân hàng có
nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh
doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính.
NHNN công bố lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
Theo lộ trình của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và
dài hạn tại các tổ chức tín dụng sẽ giảm dần từ mức 40% hiện nay xuống 30%
trong 3 năm.
Từ 1/10/2020 đến 30/9/2021, tỷ lệ này là 37% và giảm còn 34%
trong giai đoạn 1/10/2021 - 30/9/2022, sau 1/10/2022 là 30%.
NHNN cho biết việc siết dòng vốn ngắn hạn cho vay, trung dài
hạn sẽ từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động
ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi từ trong và
ngoài nước, giúp ổn định hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng chia sẻ trên 50% vốn
trung, dài hạn cho nền kinh tế phụ thuộc ngân hàng, tạo rủi ro và sức ép lớn
cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, lãnh đạo NHNN cho rằng cần giảm dần lệ
thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vốn trung, dài hạn bằng việc
phát triển kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán.
Không có thêm nhà băng
nào niêm yết
Năm 2017 và 2018, nhiều ngân hàng lớn đã đưa cổ phiếu lên
sàn chứng khoán như VPBank, Techcombank, TPBank, HDBank. Tuy nhiên, đến năm
2019, chưa có thêm một ngân hàng nào niêm yết thêm. VietBank là nhà băng duy nhất
lên UPCoM.
Gần đây nhất, Maritime Bank đã có động thái trình duyệt hồ
sơ để niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Trong khi đó, Ngân
hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng đã được Trung tâm lưu ký Chứng khoán cấp
chứng nhận đăng ký với mã BVB.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, toàn bộ ngân hàng thương mại cổ
phần bắt buộc phải niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu, hạn chót thực hiện
vào năm 2020. Nhiều nhà băng đã lên kế hoạch niêm yết trong vài năm qua như
OCB, SeABank, ABBank… nhưng chưa có động thái cụ thể.
Siết cho vay tiêu
dùng với Thông tư 18
Trong Thông tư 18/2019, NHNN quy định lộ trình giảm tỷ lệ dư
nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại công ty tài chính
so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.
Từ 1/1/2021 đến 31/12/2021, tỷ lệ này là 70% và giảm còn 60%
trong giai đoạn 1/1/2022-31/12/2022. Đến 1/1/2023-31/12/2023, con số trên là
50% và sau 1/1/2024, là 30%.
Các công ty tài chính sẽ có thời gian tái cấu trúc danh mục
cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến biên lãi ròng và lợi nhuận. FE Credit là
đơn vị chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Doanh nghiệp này có cơ cấu cho vay tập trung
nhiều vào các khoản vay tiền mặt, chiếm 76%, theo sau là cho vay thẻ tín dụng với
11,4%, cho vay mua xe máy 8% và cho vay điện máy 4,7%.
Hạ lãi suất điều hành
sau hơn 2 năm, hạ trần lãi suất huy động sau 5 năm
Tháng 9/2019, NHNN hạ lãi suất điều hành lần đầu từ năm
2017. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu
giảm từ 4,25% xuống 4%/năm.
Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương
các nước cũng có động thái tương tự, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed),
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) .
Tháng 11/2019, NHNN thông báo hạ trần lãi suất huy động lần
đầu từ tháng 10/2014. Lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống
0,8%/năm. Lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ
5,5%/năm xuống 5%/năm.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định
đây là sự điều chỉnh hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất
cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng từng đưa ra trước Quốc hội.
VND ổn định so với
USD bất chấp biến động từ thế giới
Năm 2019, nhiều đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh. Một số
đồng tiền mất giá 8-11% (như KWR, SEK), ngược lại nhiều đồng tiền lên giá 5-7%
(như RUB, THB) so với USD. VND là số ít đồng tiền có tỷ giá ổn định với đồng bạc
xanh.
Từ đầu năm đến nay, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4
đến hết tháng 5 nhưng tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng chỉ tăng
0,84 điểm phần trăm so với cuối 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó hạ nhiệt.
Ở thời điểm chịu áp lực lớn và đột ngột do tỷ giá USD/CNY vượt
ngưỡng 7 và CNY giảm gần 4% trong tháng 8, VND vẫn đi ngang, có lúc giảm.
Cuộc đua ngân hàng số
và Fintech
Các ngân hàng đẩy mạnh cải tiến, ứng dụng công nghệ của cuộc
cách mạng 4.0 vào nghiệp vụ và hoạt động tín dụng. Việc chuyển đổi thẻ chip, kết
hợp với phát triển các ứng dụng di động, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt
được đẩy mạnh.
Bùng nổ công nghệ kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp
fintech tham gia vào lĩnh vực tài chính như trung gian thanh toán, cho vay trực
tuyến...
Nhiều ví điện tử xuất hiện như Smartnet, Moca, PAYTECH,
Monpay, Momo, Zalopay... Đến tháng 8/2019, 5 ví điện tử gồm Payoo, MoMo,
SenPay, Moca và Airpay, chiếm 80% thị phần thanh toán.
Mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng nở rộ với các
trang Vaymuon.vn, Fiin… Tuy nhiên, P2P
Lending phát triển nhanh trong khi chưa có hành lang pháp lý khiến thị trường
tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người đi vay, người cho vay và các công ty nội do
sự đổ bộ của các doanh nghiệp ngoại. NHNN đang trong quá trình xây dựng và hoàn
thiện dự thảo quy định về cho vay ngang hàng tại Việt Nam.
NHNN lấy ý kiến dự thảo
về tiền di động, thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử…
Đầu tháng 11, NHNN công bố lấy ý kiến về nghị định quy định
thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, dự thảo giới hạn về sở hữu khối ngoại
tại các doanh nghiệp trung gian thanh toán là 49% vốn bao gồm cả sở hữu trực tiếp
và gián tiếp. Trường hợp fintech thanh toán hoạt động đa ngành, có quy định
khác nhau về sở hữu nước ngoài, "room" ngoại sẽ không vượt quá mức thấp
nhất.
Các fintech thanh toán được cấp phép trước ngày nghị định có
hiệu lực, có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% sẽ được duy
trì cho đến khi có sự thay đổi nhà đầu tư nước ngoài hoặc hết thời hạn giấy
phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Dự thảo cũng quy định, tiền di động (mobile money) là loại
tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch
vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê
bao di động.
Sau khi được NHNN cấp phép dịch vụ mobile money, các thuê
bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử.
Theo NDH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét