Bộ Công an vừa phát
đi thông báo về việc các đối tượng tội phạm dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn
thương hiệu để chiếm đoạt tài sản. Trong đó có việc giả danh các ngân hàng để lừa
đảo.
Theo Bộ Công an, thời gian qua đã có nhiều người dân bị các
đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name)
để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.
"Đây là thủ đoạn mới, rất tinh vi. Đặc biệt, dịp cuối
năm khi khối lượng giao dịch trong tài khoản ngân hàng gia tăng cũng là thời điểm
tội phạm hoạt động ngày càng nhiều" - Nội dung Thông báo nêu rõ.
Bộ Công an cho hay tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) được
tổ chức, cá nhân đăng ký độc quyền tại các nhà mạng viễn thông và sử dụng làm dịch
vụ gửi tin nhắn hàng loạt đến khách hàng... Khi tin nhắn dạng này đã được đăng
ký tại các nhà mạng, không ai được đăng ký trùng.
Gần đây, nhà chức trách ghi nhận kẻ gian đã giả mạo tin nhắn
thương hiệu của một số ngân hàng. Các tin nhắn giả lại được lưu trữ cùng thư mục
với các tin nhắn thương hiệu "thật" của các ngân hàng trên điện thoại
của người dùng. Do đó, người dân, khách hàng sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông
báo chính thức từ các ngân hàng hay các cơ quan nhà nước khác.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ
cao (A05, Bộ Công an) cho hay bằng nhiều nguồn khác nhau, sau khi có được thông
tin khách hàng của các ngân hàng, tội phạm sẽ gửi các tin nhắn giả mạo SMS
Brand Name đến khách hàng đó.
Trong nội dung tin nhắn giả mạo luôn kèm đường dẫn đến các
trang web giả mạo do chúng quản lý với giao diện, logo tương tự các website
chính thức của ngân hàng. Người dân khi truy cập sẽ được yêu cầu điền tên đăng
nhập, mật khẩu, mã OTP... Khi có được thông tin, kẻ lừa đảo sẽ kiểm soát được
tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi
như: chuyển khoản, mở thấu chi, đăng ký vay online..., Bộ Công an nêu.
Một trong những nạn nhân là chị K. (trú tại Hà Nội). Chiều
4/12, chị nhận tin nhắn từ tổng đài có tên Routee thông báo trúng một sổ tiết
kiệm từ "San so loc vang" tri ân và yêu cầu truy cập vào website
http://trian.bank-vp.com để nhận giải.
Nhận định ban đầu đây có thể là lừa đảo, nhưng vì tò mò, chị
Minh đăng nhập vào website nói trên thì hiện ngay tên miền có giao diện màu sắc
logo, phông chữ, nền... giống như website của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng
(VPBank), nơi chị vẫn thường truy cập để giao dịch.Cùng lúc, chị nhận được một
cuộc gọi tự xưng là "nhân viên ngân hàng" hỏi đích danh tên (cả tên
cũ và tên mới chuyển đổi). Người này đọc số đầu và 4 số cuối của thẻ tín dụng.
Sau đó "nhân viên" này thông báo chị đã trúng sổ tiết kiệm trị giá 30
triệu đồng và yêu cầu đọc đầy đủ số tài khoản để hoàn tất việc trao giải. Đã cảnh
giác hỏi lại xong chị được trả lời rằng đó là quy định của ngân hàng, nếu không
tin chị có thể gọi đến tổng đài để xác minh...
Ngay sau đó, chị nhận tin nhắn báo đã vay ngân hàng 360 triệu
đồng. 5 giây sau, chị tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng... Tổng
cộng, chị Minh nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng
và 16 tin nhắn bị trừ hết 11,5 triệu đồng trong tài khoản.
Trước thủ đoạn trên, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần kiểm
tra kỹ nội dung tin nhắn, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung; nếu
nghi vấn, nên gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân
hàng để kiểm tra lại thông tin hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn...
Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu
đăng nhập tài khoản Internet banking, Smartbanking và có biện pháp để quản lý,
bảo mật các thông tin này.
Theo luật sư Trương Anh Tú, đây là hoạt động phạm tội trong
thời kỳ bùng nổ công nghệ cao. Trước yêu cầu đấu tranh tội phạm trong tình hình
mới, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 đã bổ sung tội Sử dụng mạng máy
tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- điều 290. Theo đó, người có hành vi sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân
hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 6
tháng đến 3 năm.
Nguồn: Danviet.vn